Suy niệm
Nếu phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật IV Thường Niên tuần trước liên quan đến tác động thần linh của Thiên Chúa trong việc tuyển chọn các vị ngôn sứ của Ngài, thành phần được Ngài thánh hiến và sai đi thực hiện một sứ vụ đầy cam go thử thách cho bản thân của họ, thì phụng vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật V Thường Niên hôm nay lại liên quan đến đáp ứng thần linh về phía thành phần ngôn sứ được Thiên Chúa tuyển chọn, như việc đáp ứng thần linh của Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1, của Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại trong Bài Đọc 2, và của Viên Thợ Đánh Cá Simon trong Bài Phúc Âm.
Trước hết là đáp ứng thần linh của Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1, chúng ta thấy được thuật lại như sau:
"'Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh'. Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: 'Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha'. Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: 'Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?' Tôi liền thưa: 'Này con đây, xin hãy sai con'".
Phải, vị ngôn sứ này, thuộc bộ 4 vị tiên tri lớn trong số 16 vị và so với 12 vị được xếp loại nhỏ, trước hết đã nhận biết mình trước nhan Chúa: "lưỡi tôi nhơ bẩn", và vì thế, miệng lưỡi sẽ được sử dụng để truyền đạt sứ điệp của Chúa, sự thật về Chúa, lời nói của Chúa, đã đượcThiên Chúa thanh tẩy bằng "cục than cháy đỏ" "đặt vào miệng" của ngài và "đã chạm đến lưỡi" của ngài, nhờ đó tội của ngài đã "được thứ tha" và lỗi của ngài đã "được xóa bỏ". Để rồi, như đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, Đấng lên tiếng kêu mời trống trống: "Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?" ngài đã dám đáp ứng lập tức: "Này con đây, xin hãy sai con".
Sau nữa là đáp ứng thần linh của vị Tông Đồ Phaolô, như được chính ngài bày tỏ trong Thứ Thứ Nhất gửi Giáo đoàn Corintô ở Bài Đọc 2 hôm nay như sau:
"Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh... Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi".
Trong đoạn thư này, Thánh Phaolô chẳng những khẳng định sứ điệp của ngài hay sứ điệp được ngài rao giảng là những gì hoàn toàn theo đúng truyền thống và hợp với Thánh Kinh, mà còn cho biết thân phận quá khứ bất xứng của ngài với vai trò làm tông đồ để loan truyền sứ điệp ấy, nhưng vì thế và nhờ đó mà ngài cũng đã cảm nhận thấy hồng ân được tuyển chọn của mình, nên ngài đã làm hết sức để hoàn thành ơn gọi và sứ vụ thừa sai của mình, cho dù có phải gian nan khốn khó hơn các vị tông đồ cùng một ơn gọi và sứ vụ thừa sai như ngài chăng nữa.
Sau cùng là đáp ứng thần linh của tay thuyền chài Simon, được Phúc Âm của Thánh ký hôm nay thuật lại như thế này:
"Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: 'Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá'. Ông Simon thưa Người rằng: 'Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới'. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm. Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: 'Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi'. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: 'Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta'. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".
Trong đoạn Phúc Âm trên đây, vì đã có ý chọn chàng Simon hành nghề đánh cá này thành tay chuyên nghiệp bắt cá người sau này của mình và cho mình, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho chàng để chàng có thể nhờ đó tin tưởng Người, theo Người và trở thành tông đồ của Người, một vị tông đồ chính yếu sau này còn được Người trao quyền lãnh đạo tông đồ đoàn và toàn thể đoàn chiên của Người nữa (xem Mathêu 16:18; Gioan 21:16-18).
Thật vậy, Chúa Giêsu đã chinh phục chàng thanh niên đánh cá quê mùa chất phác mộc mạc rất chân thành và đầy nhiệt huyết này, bằng cách tỏ mình ra cho chàng, khi bảo chàng rằng "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá", một điềuhoàn toàn phản lại với kinh nghiệm nghề nghiệp của chàng, đúng hơn là vượt lên trên (chứ không phản nghịch với)kinh nghiệm tự nhiên đánh cá của chàng, nhưng chàng vẫn ngoan ngoãn sáng suốt tuân theo như một kẻ mù quáng vì chàng biết vị bảo chàng như vậy không phải là tay chuyên đánh cá như chàng: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới".
Mẻ cá lạ mà chàng bắt được sau đó "đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm" đã chẳng những khiến chàng "kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được", màcònkhiếnchàng Simon này cảm thấy được lập tức thân phận bất xứng của chàng trước Đấng thần linh đang hiện diện ngay trên chiếc thuyền đánh cá của chàng, Đấng đã chỉ điểm cho chàng nơi đánh cá mà chàng cũng đã vất vả thâu đêm mà chẳng được gì: "Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: 'Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi'".
Thế nhưng, chính thái độ mau mắn tuân phục của chàng và thái độ khiêm hạ biết mình của chàng lại càng làm cho chàng qualify, càng làm cho chàng trở nên xứng đáng được Chúa Giêsu tuyển chọn chàng một cách đặc biệt để làm thừa sai của Người và cho Người, thay Người chăn dắt cả chiên con lẫn chiên mẹ của người là toàn thể Giáo Hội của Người sau này (xem Mathêu 16:18; Gioan 21:16-18): "Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: 'Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta'. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".
Cả 3 trường hợp đáp ứng thần linh trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, trường hợp đáp ứng thần linh của Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1, của Thánh Phaolo trong Bài Đọc 2 và của Thánh Phêrô trong Bài Phúc Âm, đều là 1- những đáp ứng thần linh cho tác động thần linh của chính Đấng kêu gọi các vị làm thừa sai của Ngài, và 2- đều được tác động thần linh thánh hóa trước cho các vị xứng đáng với vai trò thừa tác của các vị, nhờ đó các vị có thể hoàn thành sứ vụ của các vị như lòng mong muốn của Ngài.
Trong cuộc đời Kitô hữu của chúng ta là thành phần môn đệ của Chúa Kitô cũng thế. Kinh nghiệm sống đạo cho thấy không bao giờ có thể thiếu 2 yếu tố chính yếu bất khả phân ly cho bất cứ một ơn gọi hay sứ vụ nào, đó là tác động thần linh về phía Thiên Chúa và đáp ứng thần linh về phía loài người chúng ta.
Tác động thần linh bao giờ cũng đi trước và đáp ứng thần linh xẩy ra sau đó và theo đó. Tác động thần linh trong cuộc đời Kitô hữu của chúng ta có thể là một ơn soi động nào đó, như đã xẩy ra cho các Thánh sáng lập dòng tu trong Giáo Hội từ trước đến nay; hay là một biến cố bất lợi nào đó xẩy ra, như thất tình hay bị tình phụ, hoặc bị thua bại trên đường đời v.v. khiến một số người trong chúng ta đã từ bỏ trần gian theo Chúa trong đời sống linh mục hay đời tận hiến tu dòng.
Thực tế cho thấy những tác động thần linh khác nhau xẩy ra cho từng người như thế, nhất là cho một số được đặc biệt kêu gọi để thi hành một sứ vụ quan trọng, như giữ một chức vụ nào đó trong Giáo Hội, không phải lúc nào cũng nhận được tương xứng những đáp ứng thần linh nơi kẻ được chọn ngay từ ban đầu, do họ ngần ngại dấn thân, hay giữa đường đứt gánh, bởi sứ vụ của họ đã trở thành gánh nặng cho họ đến độ họ không thể vác nổi nữa, do họ không biết giữ sức và dưỡng sức nên đã bị kiệt sức, hay bởi vì họ lạm dụng chức vụ cho đến khi chức vụ thay vì là mối lợi cho họ hoan hưởng đã trở thành mối hại cho họ phải chịu, hoặc bởi vì họ thấy được một cái gì đó hấp dẫn hơn và giá trị hơn cả chức vụ hiện có của họ nên họ sẵn sàng bỏ con tép bắt con tôm v.v.
Bởi thế, tác động thần linh ban đầu nơi những tâm hồn được trời cao đặc biệt kêu gọi chẳng khác gì như hạt giống được gieo vào lòng của họ và gieo xuống cuộc đời của họ, và có trổ sinh hoa trái hay chăng, ở giai đoạn đầu, bao giờ cũng vẫn phải lệ thuộc vào đáp ứng thần linh của họ; có thể tác động thần linh của Chúa gặp phải đáp ứng thần linh lãnh đạm như vệ đường, hay nông cạn như sỏi đá, hoặc hỗn tạp như bụi gai, chứ không phải là một thái độ đáp ứng thần linh sẵn sàng như những mảnh đất tốt tiêu biểu là Tiên Tri Isaia, Tông Đồ Phaolô và Chàng Đánh Cá Simon trong phụng vụ lời Chúa hôm nay, những tâm hồn nhờ đó mới có được những cảm thức hân hoan chúc tụng như ở Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.
2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.
3) Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối của Chúa: "Thực, vinh quang của Chúa lớn lao!"
4) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.